BQL Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp
Ngày đăng 31/12/2021 | 9:36 AM

BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc UBND Thành phố, thực hiện chức năng quản lý trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có báo cáo về việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014 và triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cùng nhìn lại một số hoạt động của BQL các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã hoàn thiện trong năm 2021:

Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

Công tác quan trắc môi trường: Trong các năm 2017, 2018 và 2019, Ban Quản lý đã tiến hành quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường đối với một số doanh nghiệp bao gồm một số chủ đầu tư hạ tầng KCN và một số doanh nghiệp trong KCN có phát sinh khí thải, nước thải với lưu lượng lớn.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện chương trình quan trắc môi trường, báo cáo theo quy định của pháp luật (theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt, theo cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được xác nhận) và thông báo kết quả quan trắc cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để tổng hợp trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.

Các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường và công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp gửi Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác BVMT được duy trì thường xuyên, có nền nếp theo quy định; định kỳ hàng năm, Ban Quản lý đều có báo cáo công tác bảo vệ môi trường đối với các KCN trên địa bàn gửi báo cáo UBND Thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Công tác xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản; Kế hoạch bảo vệ môi trường theo ủy quyền: Ban Quản lý thực hiện thủ tục hành chính xác nhận, xác nhận lại đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh thành phố và cấp huyện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, căn cứ các quy định pháp luật bảo vệ môi trường hiện hành và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại văn bản số 2954/UBND-ĐT ngày 08/9/2021, thủ tục hành chính nêu trên do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội  và UBND các quận, huyện thực hiện.

 

Công tác bảo vệ môi trường tại các KCN được chú trọng

Một số doanh nghiệp có phát sinh khí thải, trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đều đã có đề xuất những biện pháp giảm thiểu, xử lý khí thải trước khi xả ra môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình trước khi đi vào vận hành chính thức.

Để hạn chế phát tán bụi và khí thải trong khu vực sản xuất và giảm ô nhiễm cho môi trường xung quanh, Ban quản lý đã chỉ đạo các Công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư thứ phát tiến hành các biện pháp sau: Nhà xưởng sản xuất phải thiết kế thông thoáng đảm bảo lưu thông không khí tự nhiên, có hệ thống hút bụi cục bộ tại các vị trí phát sinh bụi và hơi khí, trang bị khẩu trang cho công nhân…Đối với các doanh nghiệp có phát sinh khí thải trong sản xuất đều yêu cầu thực hiện các biện pháp xử lý, giảm thiểu theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Hầu như tất cả các KCN đang hoạt động hiện nay đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đưa vào hoạt động chính thức là các KCN: Bắc Thăng Long; Nội Bài; Quang Minh I; KCN Nam Thăng Long; KCN Hà Nội-Đài Tư; Phú Nghĩa; Thạch Thất-Quốc Oai; trong đó KCN Sài đồng B và khu công viên công nghệ thông tin sử dụng chung nhà máy xử lý nước thải tập trung đặt tại khu công viên công nghệ thông tin. Hiện nay, các KCN đã hoàn thiện việc lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định, chỉ còn KCN Nam Thăng Long vẫn đang hoàn thiện việc lắp đặt và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi giám sát.

Đối với các doanh nghiệp thứ phát trong các KCN: Các doanh nghiệp trong KCN đã hoàn thiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của KCN, không còn hiện tượng xả nước thải trực tiếp ra môi trường; Các doanh nghiệp có nước thải đều tiến hành xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn do KCN đó quy định mới được thu gom vào trạm xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý đạt Quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Một số Doanh nghiệp có phát sinh nước thải sản xuất đã tự xử lý nước thải và xin cấp phép xả thải trước khi xả ra môi trường do KCN chưa kịp thời đáp ứng được khối lượng và chất lượng xử lý nước thải của doanh nghiệp; điển hình như Công ty TNHH Meiko Việt Nam tại KCN Thạch Thất-Quốc Oai và tại KCN Thăng Long; Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam tại KCN Thăng Long và một số Doanh nghiệp trong KCN Nội Bài...

Để thu gom lượng rác thải công nghiệp, chất thải rắn, chất thải nguy hại… từ các nhà máy nằm trong khu công nghiệp, hiện có khoảng hơn 80% các doanh nghiệp trong các KCN đã chủ động ký kết hợp đồng với các Công ty môi trường được cấp phép thu gom, vận chuyển rác thải nguy hại về các bãi rác trung tâm.

Hiện tại, hầu hết các doanh ngiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đều đã lập sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo đúng quy định và tự quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, các doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển với các đơn vị xử lý có giấy phép để xử lý chất thải. Việc quản lý chất thải nguy hại dần đi vào nề nếp, đúng các quy định hiện hành về quản lý CTNH như đã bố trí khu vực lưu giữ CTNH riêng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định, thu gom phân loại, lưu giữ và chuyển giao CTNH theo quy định.

Hiện nay, các doanh nghiệp đều phải duy trì thực hiện báo cáo tình hình phát sinh, quản lý CTNH gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định.

Công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường

Việc thanh tra công tác bảo vệ môi trường; cấp phép khai thác tài nguyên nước và xả thải; cấp sổ chủ nguồn thải hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện theo quy định.

Ban Quản lý phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các Sở, ngành có liên quan của Thành phố thực hiện thanh, kiểm tra tại một số các khu công nghiệp và các doanh nghiệp thứ phát trong KCN về xử lý ô nhiễm môi trường của đơn vị. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra đối với một số doanh nghiệp trong các KCN nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt, đầy đủ các quy định của nhà nước về BVMT, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đã được thanh, kiểm tra thực hiện theo đúng yêu cầu kết luận thanh, kiểm tra. Hàng năm, Ban Quản lý đều báo cáo công tác kiểm tra gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để tổng hợp và báo cáo UBND thành phố Hà Nội.

 

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý và Kế hoạch số 196/UBND-KH ngày 27/8/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn thành phố. Ban Quản lý có kế hoạch triển khai như sau: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, công nhân và người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp, công nhân, người lao động  tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; Phối hợp với các Sở, Ngành thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch số 196/UBND-KH ngày 27/8/2021 của UBND thành phố Hà Nội.

Đề xuất, kiến nghị để thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 được hiệu quả

Theo BQL Khu công nghiệp đề xuất tới các Bộ, ngành và UBND thành phố cần đưa các tiêu chí lựa chọn cụ thể ưu tiên các nhà đầu tư, dự án đầu tư mới như ưu tiên các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường, không có yếu tố gây ô nhiễm nặng, có biện pháp xử lý chất thải rắn, lỏng, khí bảo đảm tiêu chuẩn cho phép và bố trí đúng vị trí quy hoạch thích hợp cho từng khu; thực hiện quy hoạch quản lý và đầu tư xử lý chất thải rắn và chất thải rắn nguy hại hiệu quả để tránh hiện tượng thu gom và xử lý chung với rác thải đô thị (đối với chất thải rắn thông thường) hay giao cho đơn vị tư nhân xử lý (đối với chất thải rắn nguy hại). Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có KCN Thăng Long và KCN Nội Bài là rõ về mặt ngành nghề, chủ yếu là gia công, cơ khí và điện tử; các KCN còn lại đều mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, tính phức tạp về môi trường cao. 

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, nhiều kênh.

Cần tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích (bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ về thuế, vay vốn từ quỹ BVMT, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục hành chính, chúng ta đã làm nhưng cần làm mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn) để các doanh nghiệp đầu tư cho BVMT; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về BVMT cho các doanh nghiệp: các quy định tiêu chuẩn môi trường nói chung, quy định môi trường đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, thông tin về dịch vụ môi trường, về hiệu quả và các nguồn tài chính (như quỹ môi trường…) cho đầu tư BVMT…

Cần chú trọng tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho công tác quản lý môi trường như các điểm quan trắc môi trường tự động tại các KCN, trung tâm thử nghiệm, đánh giá để có những phát hiện và xử lý kịp thời; xây dựng đội ngũ cán bộ môi trường đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ban Quản lý là cơ quan quản lý trực tiếp các KCN, do đó cần giao nhiệm vụ bằng văn bản cụ thể nhằm nâng cao chức năng và vai trò của Ban Quản lý trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp.

(moitruongvadothi)