Nghị định 35/2022 về quản lý khu công nghiệp - Giải pháp hướng đến KCN sinh thái
Ngày đăng 12/09/2022 | 2:39 PM

Tại Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP quản lý KCN và KKT”, các chuyên gia nhận đinh, Nghị định 35 là giải pháp để doanh nghiệp có thể xây dựng KCN sinh thái ngay từ ban đầu.

Phát triển  khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư, công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tạo công ăn việc làm, nhất là ở Việt Nam - một nước có trình độ sản xuất không cao, cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Vì vậy, việc tập trung phát triển  KCN  là một điều cần thiết, giúp đất nước phát triển công nghiệp, kinh tế một cách đúng đắn.

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn "“Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 26/8 vừa qua (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Tuy nhiên, việc tập trung các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế hiện nay tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và là nguồn phát sinh ra khối lượng lớn chất thải, tác động xấu đến hệ sinh thái chung của khu vực, cũng như sức khỏe con người.

Khắc phục yếu tố môi trường

Theo PGS.TS - NGND Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội, một trong những yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát được chặt chẽ các hoạt động của KCN, thông qua việc kiểm soát nguồn thải, các hoạt động sản xuất, cách vận hành hạ tầng kĩ thuật, tăng cường quản trị môi trường, hướng tới phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững.

PGS.TS - NGND Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ tại Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế” (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Bà Chi cho biết: Từ năm 2014, Chính phủ đã đưa ra Đề án triển khai sáng kiến khu công nghiệp xanh, sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam. Khi Luật môi trường Việt Nam ra đời, nhất là Luật Môi trường năm 2020 có nhắc đến biện pháp bảo vệ môi trường, khu vực kinh doanh tập trung. Nghị định 08/2022 cũng đưa ra điều khoản khuyến khích tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, phát triển sản xuất kinh doanh tập trung theo mô hình KCN sinh thái.

"Đặc biệt,  Nghị định 35/2022/NĐ-CP  mới nhất đã góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách tại KCN sinh thái, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân vào các mô hình hoạt động KCN xanh, hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, tại mục 4, chương 4 của Nghị định này nêu rất rõ: Hỗ trợ hợp tác phát triển KCN sinh thái. Đưa ra tiêu chí KCN thái đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng KCN sinh thái ưu đãi đối với KCN sinh thái của doanh nghiệp", bà Chi nhấn mạnh.

Còn theo bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ: Nghị định 35 đã phân loại rất cụ thể các loại hình KCN, như: KCN chuyên sâu, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao hay dịch vụ, sinh thái. Tại Nghị định 35, chúng ta đã có những hướng dẫn rất chi tiết như: quy trình đầu tư ban đầu như thế nào hay cơ sở hạ tầng phải đáp ứng những điều kiện gì thì mới đạt tiêu chí của những KCN đó; thậm chí về quy mô, dự án thu hút đầu tư, loại hình thu hút đầu tư vào mỗi KCN.

Cũng theo bà Loan, với những hướng dẫn chi tiết như này, phía chủ đầu tư KCN mới sẽ căn cứ vào đó để xác định được quy mô và chất lượng đầu tư; thậm chí định hướng ngay từ ban đầu được phân khúc khách hàng của mình để có thể thu hút tốt nhất. Sau đó, phía chủ đầu tư sẽ quy hoạch, thiết kế để xây dựng KCN sao cho đồng bộ để đạt được mục tiêu của mình.

Bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ tại Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế” (Ảnh: Tuấn Ngọc)

“Đối với nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là nhà đầu tư FDI khi lần đầu tiên bước chân vào Việt Nam, họ cũng có những cơ sở đáng tin cậy để quyết định lựa chọn điểm đầu tư. Trước đây, họ chỉ quan tâm đến vấn đề như: vị trí địa lý, chi phí nhưng bây giờ nhà đầu tư nước ngoài họ quan tâm đến nhiều yếu tố hơn như: môi trường, hình ảnh KCN và nhiều yếu tố khác. Với sự phân loại cụ thể loại hình KCN như thế này, nhà đầu tư thứ cấp có thể căn cứ vào loại hình doanh nghiệp, sản phẩm của họ hay hình ảnh doanh nghiệp hướng tới để chọn lựa những KCN phù hợp hơn, một cách chính xác hơn”, bà Loan cho biết thêm.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Việt Nam hiện đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển KCN truyền thống sang mô KCN sinh thái để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 là đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng KCN sinh thái, theo các chuyên gia nhận định, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và sự chung tay vào cuộc của chính các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN.

Bà Đặng Thị Kim Chi cho biết: Về mặt luật pháp, Nhà nước đã quan tâm rất nhiều và đưa ra chính sách để hướng đến KCN sinh thái, còn thực tế hiện nay, phát triển KCN như thế nào vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ, trong các hoạt động bảo vệ môi trường, tính đồng bộ, tính gắn kết của KCN với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn lực xây dựng đất và đô thị chưa cao. Ngoài ra, còn thiếu hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp đô thị dịch vụ để tạo nên liên kết chuỗi giá trị giữa các KCN trong và ngoài. Đặc biệt là hạ tầng kĩ thuật bảo vệ môi trường của KCN tại một số địa phương hiện nay rất không đồng bộ.

“Để xây dựng và phát triển công nghiệp xanh, KCN xanh bền vững ở Việt Nam, trước hết phải rà soát lại và lựa chọn những KCN có tiềm năng, khuyến khích chuyển đổi KCN hiện hữu đang có với 290 KCN đang hoạt động, trong số 377 khu công nghiệp đã đăng ký. Bên cạnh đó, phải có khả năng đồng bộ kết cấu hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, có sự tương thích các loại hình công nghiệp trong một KCN; nghĩa là nguyên liệu phế liệu của ngành, của nhà máy này có thể là nguyên liệu đầu vào của nhà máy khác, để cuối cùng tổng lượng chất thải đưa ra KCN là thấp nhất”, bà Chi nhấn mạnh.

Còn theo Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, hiện nay tất cả các KCN chuyên ngành, hỗ trợ hay thậm chí cả KCN công nghệ cao đều có thể bao gồm các yếu tố  KCN sinh thái  hay KCN đô thị - dịch vụ bởi vì tất cả đều vì mục tiêu phát triển KCN xanh, sạch.

"Bản thân doanh nghiệp trong quá trình hoạt động nhận thấy, những quy hoạch về công trình bảo vệ môi trường cần phải bài bản và đầu tư đồng bộ hơn, tiến tới bản thân KCN và nhà đầu tư thứ cấp phải sử dụng năng lượng một cách xanh, sạch hơn. Cùng với đó hướng đến hệ thống cộng sinh KCN, đầu ra sản phẩm của công ty này sẽ là sản phẩm đầu vào của công ty kia. Qua đó, không chỉ tiết kiệm chi phí logsitics tài nguyên mà nó còn giảm thiểu rác thải ra môi trường, giảm thải khí thải”, bà Loan nhấn mạnh.

DĐDN