Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ trong các KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 |
Ngày 28/12/2022, tại thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ trong các KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ Bộ Kế Kế hoạch và Đầu tư: Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài; ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế; ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý các KCN - CX Hà Nội, các nhà đầu tư trong các KCN và CX Hà Nội; các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.
Các KCN Hà Nội – Điểm đến thành công của các nhà đầu tư
Tại Hội nghị, Báo cáo tổng quan những kết quả mà các KCN Hà Nội đã đạt được trong năm 2022, Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay các KCN, CX Hà Nội đã thu hút đầu tư được 359,5 triệu USD quy đổi, tăng 20% so với năm 2021; trong đó đã thu hút được 10 dự án mới với số vốn đăng ký 8,5 triệu USD và 611 tỷ đồng; 18 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký 307,7 triệu USD và 385 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư FDI vào các KCN chiếm hơn 20% tổng số vốn đầu tư toàn Thành phố.
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 9 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 1.670,6ha . 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 663,4ha, gồm: KCN Quang Minh II, diện tích 160ha; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, diện tích 200,6ha; KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha. |
Đến nay, các KCN trên địa bàn Hà Nội đã thu hút được 706 dự án đang hoạt động, trong đó có 302 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD; 404 dự án đầu tư DDI với số vốn đăng ký trên 18.600 tỷ đồng.
Năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp KCN và CX Hà Nội tương đối phát triển ổn định, thể hiện qua các chỉ tiêu chủ yếu như: Doanh thu ước đạt 8,1 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 300 triệu USD, lần lượt tăng 4,1% và 9,6% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt trên 4,3 tỷ USD, lần lượt tăng 4,3% và 4,7% so với năm 2021.
Kết quả hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN Hà Nội đã góp phần quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, liên tục tăng thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, các KCN, KCX Hà Nội đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 16,6 vạn lao động với thu nhập ổn định.
Khu nhà ở của công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội |
Cần nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững các KCN
Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế chúc mừng những kết quả đã đạt được trong công tác thu hút đầu tư của thành phố Hà Nội nói chung và của các KCN, KCX trên địa bàn Thành phố nói riêng trong năm 2022.
Chia sẻ về những thành công của các KCN, KKT cả nước đã đạt được trong hơn 30 năm qua, ông Lê Thành Quân cho biết, tính đến nay, sau hơn 30 năm phát triển, cả nước đã có 411 KCN, 18 KKT ven biển, 26 KKT cửa khẩu. Các KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, là điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Đánh giá khách quan về những thành tựu của Hà Nội đã đạt được trong công tác thu hút đầu tư, ông Quân cho rằng, thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế cạnh tranh như: Cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và thuận lợi; môi trường đầu tư thông thoáng; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Dòng vốn FDI vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị |
Ông Quân khẳng định, những kết quả, thành tích về phát triển KCN của thành phố Hà Nội có được là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan; đặc biệt là những cố gắng nỗ lực của tập thể lãnh đạo và công chức Ban Quản lý các KCN và CX thành phố Hà Nội, các nhà đầu tư và người lao động trong KCN.
Theo ông Quân, trong giai đoạn sắp tới, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thách thức tác động đến dòng vốn FDI. Bối cảnh phát triển các KCN của nước ta đã có những thay đổi với thuận lợi và khó khăn đan xen. Do vậy, việc phát triển KCN, KKT cần có chính sách để tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với đó, các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả phát triển các KCN, KKT theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, hiệu quả sử dụng đất. Do đó, việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về KCN, KKT, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo KCN, KKT tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết.
Ông Quân cho biết thêm, với vai trò là cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KCN, KKT. Cụ thể, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN, KKT, trong đó đã bổ sung các loại hình KCN, KKT mới, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển KCN, KKT.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, phát huy được thế mạnh và tiềm năng sẵn có, ông Quân đề nghị Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tập trung thu hút đầu tư lấp đầy KCN hỗ trợ Nam Hà Nội và triển khai đầu tư đối với KCN sạch Sóc Sơn; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chăm lo xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Thủ đô.
Thứ hai, đẩy nhanh công tác rà soát và điều chỉnh quy hoạch, để tạo cơ sở pháp lý thu hút các nhà đầu tư hạ tầng triển khai các dự án KCN mới.
Thứ ba, hướng vào những mô hình KCN mới được quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, đó là KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao, KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ; định hướng và thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, chuyển đổi dần các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, đảm bảo môi trường đô thị, phát triển bền vững và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương lân cận.
Thứ tư, chủ động giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, tạo được địa chỉ tin cậy, niềm tin tuyệt đối cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đi vào hoạt động trong các KCN, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.
Ông Lê Thành Quân kỳ vọng: “ Chúng tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, sự cố gắng của Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị và các nhà đầu tư, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, phát triển các KCX, KCN trong thời gian tới sẽ đạt được những mục tiêu phát triển của Thành phố đề ra và là điểm đến tin cậy của các nhà đầ tư trong và ngoài nước”.
Hà Nội cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội biểu dương và ghi nhận những thành tựu của các KCN và CX Hà Nội nói chung và những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và và nước ngoài tại các KCN nói riêng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội trong suốt thời gian qua.
Vui mừng thông tin về tình hình thu hút đầu tư khởi sắc của các KCN Hà Nội, cũng như của Thành phố, ông Quyền cho biết, các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong các KCN đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp của Thành phố.
Ngay từ những năm 1994, KCN Nội Bài và KCN Thăng Long đã thu hút sự quan tâm đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư đến từ Malaysia và Nhật Bản. Đến nay, đã có hơn 300 nhà đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thành phố. Điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc xúc tiến thu hút thêm các nhà đầu tư mới, các dự án mới đến với các KCN.
Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã thu hút số vốn FDI được 1,54 tỷ USD, tăng 11,6%; trong đó, 328 dự án mới với tổng vốn đầu tư 206 triệu USD; 181 lượt tăng vốn với tổng vốn đầu tư 791,1 triệu USD; 356 lượt dự án góp vốn với số vốn góp là 543,4 triệu USD. Thu hút đầu tư DDI ngoài ngân sách gồm 30 dự án mới với số vốn đầu tư 53.614 tỷ đồng; 4 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 13.244 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền, trong những năm qua, Thành phố đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về xây dựng chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhiều dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng như: Đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng… Đồng thời, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua đã ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN và CX là đầu mối giải quyết theo cơ chế “một cửa, liên thông” với tất cả các thủ tục hành chính trong khu công nghiệp về đầu tư, quy hoạch xây dựng, lao động, môi trường…
Với quỹ đất sạch hiện nay và Kế hoạch đưa từ 2 đến 5 KCN mới hoặc mở rộng đi vào hoạt động từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội cần kêu gọi hàng trăm dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án công nghệ cao sinh học và các dự án công nghiệp sử dụng lao động có kỹ thuật cao. Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tặng hoa và phần thưởng cho các doanh nghiệp KCN, KCX Hà nội có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất năm 2022 |
Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang thực hiện rà soát phương án phát triển các KCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến đề xuất bổ sung quy hoạch và phát triển 5 KCN mới và KCN mở rộng phát triển trong giai đoạn 2025-2030, trong đó có thể quy hoạch các mô hình KCN phù hợp với giai đoạn nền kinh tế đã phát triển cao hơn như: Khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái.
“Chính quyền Thành phố cam kết cùng đồng hành và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, tập đoàn lớn có một môi trường đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định, cùng có lợi”, ông Quyền khẳng định. Ông cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Thành phố tổ chức một sự kiện lớn về xúc tiến đầu tư tại chỗ dành riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài trong các KCN. Ông kỳ vọng và tin tưởng thông qua Hội nghị này sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục chọn thành phố Hà Nội là nơi dừng chân để mở rộng đầu tư, kinh doanh và làm cầu nối để hỗ trợ Thành phố kết nối với những nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới. Đồng thời rất mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận thông tin để hiểu rõ hơn những yêu cầu, nguyện vọng và những đề xuất vô cùng hữu ích và sáng tạo từ các nhà đầu tư.
Ông Quyền đề nghị, trong thời gian tới, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội: Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong KCN, cung cấp các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp trong KCN. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tham mưu Thành phố những cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Các sở, ban, ngành của Thành phố; các quận, huyện , thị xã có KCN: Tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý để triển khai các nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN phát triển.
Các doanh nghiệp trong KCN: Cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động đóng góp vào ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Các KCN Hà Nội sẵn sàng "trải thảm đỏ" chào đón các nhà đầu tư
Ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội cam kết sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN và CX Hà Nội |
Thay mặt Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội, ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội trân trọng cảm ơn lãnh đạo các đơn vị đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các sở, ban ngành của Thành phố; lãnh đạo UBND các quận, huyện có KCN đã hỗ trợ và tạo mọi điều kiện mọi thuận lợi để Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đặc biệt, sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn Thành phố đã góp phần quan trọng thúc đẩy các KCN phát triển mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành công trong năm 2022.
Ông Long bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi công tác xây dựng và phát triển các KCN và CX Hà Nội phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa theo đúng định hướng của Thành phố, Ban Quản lý mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và UBND các quận, huyện có KCN trên địa bàn Thành phố.
“Trong thời gian tới, Ban Quản lý cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa, để tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng ta sẽ cùng hợp tác phát triển trong thời gian sắp tới. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng thắng lợi”, ông Long nhấn mạnh../
Các đại biểu tham dự Hội nghị nâng cốc chúc mừng thành công của Hội nghị |